Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Lịch sử ra đời chiếc áo thun

Có lẽ ít ai biết rằng, chiếc áo chỉ có một cách mặc duy nhất là phải chui qua đầu này, lại được biến tấu từ một chiếc áo lót của đàn ông.
Vào thế kỷ 19, khi người ta bắt đầu chú ý đến tính thẩm mỹ và thời trang cho hai món đồ con con bên trong, thì chiếc áo lót cũng từ từ khẳng định ngôi vị cho mình. Có nghĩa là, nó sẵn sàng đứng độc lập mà không hề cảm thấy "thiếu bạn đồng hành" là... chiếc quần con, nhưng mọi chuyện chỉ thật sự bắt đầu khi lính Mỹ tham gia Thế chiến II.
Lịch sử ra đời chiếc áo thun
Họ bất ngờ phát hiện bên trong những bộ trang phục quân đội lạnh lùng và hàng tá những vật dụng, súng ống leng keng khác của những người lính quân đội đồng minh châu Âu, bao giờ cũng có chiếc áo lót làm bằng chất thun mềm nhẹ. Cái áo lót của phe đồng minh với khả năng thấm hút mồ hôi tuyệt vời và kiểu dáng dễ thích ứng của nó, đã nhanh chóng làm nên một hiện tượng thời trang trong giới nhà binh Mỹ.
Từ đó cho đến khi kết thúc cuộc chiến, lính Mỹ sống cùng áo thun (áo phông) trong mọi hoàn cảnh: ngoài chiến trường, trên bãi tập, tại sân chơi thể thao, trong quán bar và cả trong công việc đồng áng để cải thiện bữa ăn. Áo thun bấy giờ đảm nhận một sứ mệnh mà không có một loại trang phục nào có thể thay thế được, đó là khả năng giảm nhiệt cho cơ thể trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Thay vì ở trần mất lịch sự, lính Mỹ đã có thể thanh lịch khoác lên người chiếc áo lót có độ co giãn cao và thấm mồ hôi tốt để làm việc. Vì thế, nó có một cái tên khá "oách" khác là "chiếc áo huấn luyện".
Lịch sử ra đời chiếc áo thun
Áo thun sẽ chỉ là thời trang quân sự nếu không có sự kiện tạp chí Life nổi tiếng với ấn bản ngày 13/7/1942, đăng ngay trên trang bìa một lính Mỹ khỏe khoắn, gợi cảm trong trang phục áo thun với quần tây đứng ôm sát người. Bỗng dưng, áo thun trở thành một thứ thời trang đầy cá tính, và nó "đòi hỏi" cái quyền được đứng độc lập bên ngoài cơ thể con người chứ không chịu "thân phận" làm lót nữa.
Nhưng tất nhiên, những kẻ không theo nghiệp chiến binh vẫn chỉ đứng ngoài ngần ngại nhìn dáng vẻ trẻ trung, mạnh mẽ, lôi cuốn của nó. Và sự khát khao, thèm muốn được chiếm lĩnh áo thun của họ chỉ có về sau này.
Cho đến khi nhân loại bình tĩnh hơn trước đau thương của Thế chiến II, thì áo thun mới nhanh chóng "bứt mình" ra khỏi sự "dùng dằng" giữa mặc bên trong và bên ngoài để khẳng định "ngôi vị" thời trang như ngày nay. Ngay lập tức, nó được chiều chuộng như một đứa con cưng của mọi tầng lớp người trong xã hội, bất kể đẳng cấp sang, hèn. Từ các tay chơi tennis điệu nghệ, những rocker máu lửa, đến các quý ông lịch lãm, quý bà đài các cho tới những em học sinh hay dân du mục... tất cả đều thích diện áo thun.
Chiếc áo lót một thời, nay hiên ngang đứng một mình để khoe hết cái vẻ đẹp và cách sống đơn giản của nó. Người ta thoải mái mặc áo thun đi học, làm việc, ký hợp đồng, mua sắm, chơi thể thao, và thậm chí là cả vận động tranh cử.
Không thấy ai bảo diện áo thun là lỗi thời, cũng chẳng ai kêu ca rằng đó là thứ thời trang của lính chiến nữa. Dẫu sau này, bàn tay "phù thủy" của các nhà thiết kế thời trang đã "thổi" những xu hướng mới mẻ vào áo thun. Và dòng Polo thật sự tỏa sáng ở khắp các sân quần vợt danh tiếng, thì người đời vẫn chuộng chiếc áo thun giản đơn như từng biết ơn nó bởi tính ứng dụng tuyệt vời.
Sưu tầm